Công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường

Công ty môi trường Chiêu Dương.
Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
Nhận thu gom chất thải công nghiệp.

Không giống như công cụ hành chính mang tính chất mệnh lệnh, công cụ kinh tế (CCKT) mang tính mềm dẻo, linh hoạt; khiến cho người gây ô nhiễm và người hưởng thụ môi trường có các hành vi xử sự có lợi cho môi trường. Áp dụng công cụ kinh tế (CCKT) trong quản lý môi trường là cách tiếp cận đúng đắn nhằm hạn chế ô nhiễm và suy thoái môi trường tại Việt Nam.

Tạo nguồn tài chính dồi dào và cần thiết

CCKT giúp các chủ thể chủ động lập kế hoạch BVMT thông qua việc lồng ghép chi phí BVMT vào giá thành sản phẩm để không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh. Đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên bởi nó tác động trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân và doanh nghiệp nên khi tiến hành sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng, các chủ thể phải tính đến việc sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào là tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận thông qua việc thường xuyên cải tiến công nghệ kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm.

Sử dụng CCKT có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, tạo ra một nguồn tài chính dồi dào và cần thiết từ toàn xã hội để quản lý và BVMT. Vì vậy, việc áp dụng CCKT trong quản lý môi trường đã được Chính phủ quan tâm, bước đầu triển khai áp dụng ở các quy mô khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các công cụ kinh tế này trong thời gian qua ở Việt Nam chưa mang lại hiệu quả cao, mới chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách mà chưa góp phần hữu hiệu trong việc điều chỉnh, thay đổi các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường, giảm phát thải ra môi trường hay khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển sản phẩm, hàng hoá thân thiện với môi trường.

Công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường
Người dân đô thị được hướng dẫn sử dụng các thùng rác để phân loại rác thải ngay tại nguồn

Thu phí theo khối lượng, mức độ độc hại

Để giải quyết bất cập này, Bộ TN&MT đưa vào trong Luật Bảo vệ môi trường  sửa đổi năm 2020 một mục riêng về “Công cụ kinh tế cho BVMT”. Trong đó, đã đưa ra quy định về chính sách thuế, phí về BVMT nhằm nâng cao, tạo hành lang pháp lý trong quá trình tổ chức triển khai áp dụng hai loại công cụ kinh tế quan trọng này.

Mặc dù trước đây chúng ta đã sử dụng thuế BVMT nhưng chủ yếu thu theo thuế “gián thu” dựa trên đơn vị sản phẩm, nhưng lần này đã đưa ra nguyên tắc thu thuế không chỉ thu theo các sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường trong quá trình sử dụng mà còn dựa trên chất ô nhiễm môi trường, tức là có thể thu “trực tiếp” chất thải ra môi trường, mức độ độc hại của chất thải.

Về phí BVMT,  Luật cũng đưa ra những nguyên tắc thu phí sát thực hơn nhằm mục tiêu thay đổi hành vi của người gây ô nhiễm, thu phí theo khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện dựa trên khối lượng, thể tích chất thải đã được phân loại (Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.

Mục đích của quy định này là vận dụng nguyên tắc của cơ chế thị trường để thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao. Đây là vấn đề đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện rất thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác…

Sản xuất, nhập khẩu bao bì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính

Luật cũng lần đầu tiên quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải tái chế theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc thông qua hình thức tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động tái chế. Theo đó, các sản phẩm, bao bì thải bỏ như chất thải điện tử, pin, ắc quy, săm lốp, bao bì nhựa, pin năng lượng mặt trời.v.v. sẽ được thu hồi, tái chế bởi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa các chất độc hại (như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu), khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý (như đồ nhựa dùng một lần, thuốc lá, kẹo cao su.v.v.) thì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho địa phương, cộng đồng dân cư thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật.

Luật cũng đã lần đầu tiên quy định chế định về tổ chức và phát triển thị trường các – bon như là công cụ kinh tế để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đồng thời, quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên để thiết lập hành lang pháp lý đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

BÌNH LUẬN

bình luận