Giấy phép xả thải là một trong những giấy phép không thể thiếu của mọi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và sản xuất.
Đối tượng lập hồ sơ xin giấy phép xả thải vào nguồn nước: các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, bệnh viện, khách sạn, các nhà máy, nhà xưởng,…. xả nước thải vào nguồn nước.
Các bước thực hiện:
* Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
* Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ – Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh hoặc Thành phố trực thuộc Trung Ương.
Thời gian nhận hồ sơ: sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ (từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, riêng thứ bảy chỉ làm việc buổi sáng).
Khi nhận hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cấp giấy biên nhận cho người nộp.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn đương sự hoàn thiện hồ sơ.
* Bước 3: Phòng Quản lý Tài nguyên nước và Khoáng sản – Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thẩm định hồ sơ. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu sẽ làm thủ tục cấp phép. Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu sẽ có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân lý do không cấp phép.
* Bước 4: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép đóng phí phẩm định hồ sơ và lệ phí cấp phép (nếu hồ sơ đạt yêu cầu) tại Bộ phận Tài vụ và nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Khi đến nhận kết quả, người đến nhận phải xuất trình:
+ Biên nhận hồ sơ.
+ Giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác theo quy định).
+ Giấy giới thiệu của đơn vị đề nghị cấp phép (trường hợp đơn vị đề nghị cấp phép là tổ chức).
– Cách thức thực hiện: trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo mẫu);
+ Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải theo quy định của nhà nước tại thời điểm xin cấp giấy phép;
+ Quy định vùng bảo hộ vệ sinh (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền quy định tại nơi dự kiến xả nước thải;
+ Đề án xả nước thải vào nguồn nước, kèm theo quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với trường hợp chưa có công trình xử lý nước thải; báo cáo hiện trạng xả nước thải, kèm theo kết quả phân tích thành phần nước thải và giấy xác nhận đã nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong trường hợp đang xả nước thải và đã có công trình xử lý nước thải;
+ Bản đồ vị trí khu vực xả nước thải vào nguồn nước tỷ lệ 1/10.000;
+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
+ Bản sao có công chứng giấy chứng nhận, hoặc giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai tại nơi đặt công trình xả nước thải. Trường hợp đất nơi đặt công trình xả nước thải không thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân xin phép thì phải có văn bản thỏa thuận cho sử dụng đất giữa tổ chức, cá nhân xả nước thải với tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất, được Ủy ban nhân dân xã, phường nơi đặt công trình xác nhận;
+ Biên nhận đã nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (đối với công trình đang xả thải);
+ Biên nhận đóng phạt và quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với công trình đang xả thải nhưng không có giấy phép);
b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
– Thời hạn giải quyết: 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: cá nhân, tổ chức
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ủy ban nhân dân Tỉnh hoặc Thành phố trực thuộc TƯ.
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh hoặc Thành phố trực thuộc TƯ.
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh hoặc Thành phố trực thuộc TƯ.
d) Cơ quan phối hợp (nếu có): không có
– Kết quả thủ tục hành chính: Giấy phép
– Lệ phí (nếu có):
a) Phí thẩm định đề án (hoặc báo cáo) xả nước thải vào nguồn nước:
+ Đề án có lưu lượng nước dưới 100 m3/ngày đêm: 300.000 đồng/hồ sơ;
+ Đề án có lưu lượng nước từ 100 đến dưới 500 m3/ngày đêm: 900.000 đồng/hồ sơ;
+ Đề án có lưu lượng nước từ 500 đến dưới 2.000 m3/ngày đêm: 2.200.000 đồng/hồ sơ;
+ Đề án có lưu lượng nước từ 2.000 đến dưới 5.000 m3/ngày đêm: 4.200.000 đồng
b) Lệ phí cấp phép: 100.000 đồng/giấy phép.
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
+ Mẫu Đơn đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước;
+ Mẫu Đề án xả nước thải vào nguồn nước (đối với cơ sở xả nước thải đề nghị cấp phép mới);
+ Mẫu Báo cáo xả nước thải vào nguồn nước (đối với cơ sở đang xả nước thải vào nguồn nước nhưng chưa có công trình xử lý nước thải và giấy phép xả thải);
+ Mẫu Báo cáo xả nước thải vào nguồn nước (đối với cơ sở xả nước thải đang hoạt động đã có công trình xử lý nước thải nhưng chưa có giấy phép).
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): không có
– Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
* Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 02/07/2012;
* Luật Bảo vệ môi trường 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014;
* Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
* Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/2/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
* Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
* Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;
* Quyết định số 96/2007/QĐ-UBND ngày 23/7/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành mức thu phí thẩm định hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất;
* Quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 09/02/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.