Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (viết tắt: Phòng ANM&CNC)- Công an tỉnh Đắk Nông cho hay, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng sim điện thoại rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư quy định chế tài xử lý việc quản lý, sử dụng sim rác; các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đăng ký, mua bán sim thuê bao trả trước. Tuy nhiên tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo có tính chất quấy rầy vẫn liên tục tái diễn, gây bức xúc cho người sử dụng. Điều này cho thấy còn có kẽ hở trong quản lý hoạt động đăng ký thông tin sim điện thoại.
Qua quá trình theo dõi, đấu tranh Phòng ANM&CNC- Công an tỉnh Đắk Nông nhận thấy, tội phạm sử dụng sim rác ngày càng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm này là thường sử dụng sim rác để thực hiện gửi tin nhắn rác, cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo, mời chào kiểu đa cấp, giả mạo các cơ quan nhà nước để lừa đảo người dùng; khủng bố đòi nợ; xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức; đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử ảo để rửa tiền. Nếu người dân không cảnh giác dễ bị “mắc bẫy” mất một số tiền không nhỏ.
Đơn cử, mới đây vào ngày 15-7-2022, anh Nguyễn V.H. (trú P. Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) bị một số điện thoại lạ thông báo mình bị “phạt nguội” khi tham gia giao thông bằng xe ô-tô trên QL1A, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam, với số tiền hàng chục triệu đồng. Điều đáng nói ở đây là anh H. không biết lái xe, nhà không có ô-tô và cũng không thuê xe đi đâu. Biết mình bị lừa, anh bèn báo cho cơ quan chức năng nhưng khi điện thoại mới biết bọn tội phạm dùng sim rác để lừa đảo. Tương tự, chị Trần Thị M.L (trú P. Quảng Thành, TP Gia Nghĩa) bị 1 số điện thoại lạ thông báo chị đứng tên một công tơ điện công nghiệp chưa thanh toán 1 hóa đơn hơn 30 triệu đồng. Vốn không có điện 3 pha, chị L. báo cơ quan chức năng thì bọn tội phạm khóa máy.
Tăng cường đấu tranh, ngăn ngừa
Trước tình hình tội phạm dùng sim rác để phạm tội có dấu hiệu gia tăng, Phòng ANM&CNC- Công an tỉnh Đắk Nông đã chủ động tham mưu cho Công an tỉnh triển khai các mặt công tác nhằm tăng cường rà soát, phát hiện nhiều cá nhân có hành vi bán sim rác, sim không chính chủ trên không gian mạng. Phòng ANM&CNC đã tiến hành mời làm việc, xử lý yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với một số cá nhân.
Mới đây, ngày 8-8-2022, Phòng ANM&CNC- Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với ông P.Q.H (trú xã Quảng Tín, H. Đắk Rlấp, Đắk Nông) về hành vi: “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” theo quy định tại Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ. Hành vi của ông H. bị lực lượng chức năng phạt tiền 17.500.000 đồng, thu giữ 670 sim thuê bao di động đã đăng ký thông tin, kích hoạt dịch vụ, tiến hành bàn giao số sim thu được cho đơn vị viễn thông để thu hồi về kho số.
Theo cơ quan chức năng, sim thuê bao di động đã kích hoạt là sim có thông tin không chính xác. Do đó, người dân khi mua sim đã kích hoạt để sử dụng sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh các nội dung khiếu nại, khiếu kiện về dịch vụ viễn thông nói chung và nội dung qua tin nhắn nói riêng. Do đó, Phòng ANM&CNC- Công an tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân nên đăng ký chính chủ cho thuê bao để bảo đảm các quyền lợi chính đáng và được pháp luật bảo vệ.