Giá xăng ngày 21/6 dự kiến tiếp tục tăng theo đà tăng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá mặt hàng này trong nước có thể tăng 350-450 đồng/lít.
Ngày 21/6, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 15/6 tăng so với kỳ tính giá trước.
Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) lên 150,6 USD/thùng, xăng RON 95 lên 157 USD/thùng, dầu diesel 170,88 USD/thùng.
Trong khi giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành trước lần lượt là 149,2 USD/thùng xăng E5 RON 92; 154,7 USD/thùng xăng RON 95 và 166,5 USD/thùng dầu diesel…
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết tính đến 11/6, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 350-450 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 850-950 đồng/lít.
Do đó, kỳ điều hành ngày 21/6, giá xăng có thể tăng tương ứng khoảng 350-450 đồng/lít; còn dầu diesel tiếp tục tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn, giá các mặt hàng này có thể tăng ít hơn.
Tương tự, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại miền Bắc cho biết sau kỳ điều hành ngày 13/6, giá mặt hàng này tiếp tục biến động. Theo số liệu đến ngày 19/6, giá xăng ngày mai có thể tăng thấp hơn kỳ trước, dao động khoảng 400 đồng/lít còn dầu diesel tăng mạnh hơn khoảng trên dưới 1.000 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp và lần tăng thứ 13 trong hơn nửa đầu năm, đưa giá xăng RON 95 tiến đến mốc 33.000 đồng/lít. Tính chung, từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng 12 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 8.494 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.951 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước. Theo đó, cơ quan này tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại) trong nước, với mục tiêu kìm đà tăng giá của mặt hàng này.
Trong lần thứ 2 đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường này, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đều được đề xuất giảm kịch khung về mức sàn, bao gồm giảm 50% thuế bảo vệ môi trường hiện tại, tương đương 1.000 đồng/lít với các mặt hàng xăng, từ 2.000 đồng/lít hiện tại; giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít thuế với nhiên liệu bay; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.
Hiện, nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh mẽ do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào dầu Nga khiến giá dầu vẫn được neo ở mức cao.
Tại Libya, sản lượng dầu sụt giảm do các nhà máy và cảng bị đóng cửa vì cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước. Hôm 14/6, phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Libya cho biết sản lượng dầu đã bị thu hẹp còn 100.000-150.000 thùng/ngày, giảm mạnh so với mức 1,2 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái.
“Trong giai đoạn bình thường, sự tăng giảm sản lượng dầu của Libya sẽ không tác động đáng kể tới thị trường. Nhưng với tình hình hiện tại, những biến động này đủ để giữ giá ở mức cao”, ông Jeffrey Halley – nhà phân tích thị trường cấp cao tại Singapore – bình luận với Zing.