Hội đồng thẩm định Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa thông qua nhiệm vụ Quy hoạch nói trên. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – đơn vị chủ trì nhiệm vụ lập Quy hoạch đã đưa ra định hướng nhiệm vụ điều tra địa chất phục vụ bảo vệ môi trường (BVMT) và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
>> Công ty Môi trường Chiêu Dương.
>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ
>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp
Điều tra địa chất phục vụ BVMT
Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 21/1/2012 đã nêu rõ quan điểm “Chiến lược BVMT là bộ phận cấu thành không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược phát triển bền vững; BVMT hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững”. Mục tiêu đến năm 2030 ở Việt Nam “ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên…”.
Từ nội dung trên, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản sẽ mang tính chất định hướng các nhiệm vụ về BVMT trong khai thác khoáng sản. Cụ thể, điều tra, đánh giá, khoanh định khu vực có khoáng sản độc hại, khu vực có dị thường phóng xạ tự nhiên cao để có giải pháp bảo vệ, phòng ngừa; tăng cường công tác điều tra địa chất môi trường ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực có dự án chế biến khoáng sản quy mô lớn, tập trung nhằm khoanh định xác định nguyên nhân, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến tài nguyên đất, nước, không khí và đề xuất giải pháp phòng ngừa.
Ngoài ra, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nghiên cứu, đánh giá cấu trúc địa chất thuận lợi để “chôn cất”, lưu giữ khí nhà kính và các loại chất thải; tăng cường công tác điều tra tai biến địa chất tại khu vực miền núi, khu vực ven biển, khoanh định cảnh báo các khu vực có nguy cơ trượt lở, tai biến địa chất và có giải pháp phòng ngừa thích hợp.
Quy hoạch cũng nghiên cứu, phát hiện, điều tra đánh giá khoáng sản làm nguyên vật liệu thay thế khoáng sản đang có nguy cơ cạn kiệt, hoặc nguyên liệu thay thế; nghiên cứu sử dụng tổng hợp tài nguyên, khai thác không bãi thải (sử dụng các vật liệu thải cho mục tiêu khác); nghiên cứu, điều tra đánh giá môi trường địa chất khu vực có dự án khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn, tập trung, có nguy cơ suy thoái, ô nhiễm môi trường để có định hướng công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác mỏ (đóng cửa mỏ).
Định hướng nhiệm vụ chủ động thích ứng với BĐKH
Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã xác định nguy cơ của BĐKH toàn cầu đối với nước ta (nhiệt độ tăng từ 2 – 3 độ C, nước biển dâng cao 0,75 – 1m, gây ngập lụt 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng, 3% diện tích các tỉnh ven biển) xác định các nhiệm vụ nhằm ứng phó với BĐKH.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/CP ngày 23/1/2014 và mới đây nhất là Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, trong đó, đã xác định một số nhiệm vụ trọng điểm đối với lĩnh vực địa chất khoáng sản.
Cụ thể, điều tra, đánh giá về tài nguyên địa chất, tai biến địa chất phục vụ xây dựng các kịch bản ứng phó BĐKH, nước biển dâng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các đô thị ven biển; đánh giá tiềm năng cấu trúc địa chất để lưu giữ khí nhà kính và các loại chất thải.
Lập bản đồ Địa chất Đệ tứ tỷ lệ 1:50.000 đi kèm bản đồ địa chất công trình – địa chất thủy văn phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất; đánh giá các di sản địa chất phục vụ việc bảo tồn.
Từ những quan điểm, chỉ đạo, mục tiêu công tác BVMT nêu trên, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đặt ra các nhiệm vụ về chủ động thích ứng với BĐKH.
Theo đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ lập bản đồ địa chất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực dự báo bị ảnh hưởng, tác động do BĐKH, nước biển dâng, trong đó, tập trung nghiên cứu địa chất Đệ tứ, địa mạo, địa chất công trình, kiến tạo – địa động lực, nhằm xác định cấu trúc tầng đất đá, độ ổn định nền móng, khả năng chứa, thấm, thoát nước khu vực để có giải pháp phòng ngừa, ứng phó với hiện tượng BĐKH, nước biển dâng, phòng chống sạt lở, xâm nhập mặn.
Đồng thời, tăng cường công tác điều tra tai biến địa chất tại khu vực miền núi, khu vực ven biển, khoanh định cảnh báo các khu vực có nguy cơ trượt lở, tai biến địa chất và có giải pháp phòng ngừa thích hợp.
Bên cạnh việc đưa ra định hướng nhiệm vụ điều tra địa chất phục vụ BVMT và thích ứng với BĐKH, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng dự báo bối cảnh kinh tế – xã hội trong thời kỳ Quy hoạch; dự báo nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất khoáng sản của ngành công nghiệp khai khoáng; dự báo nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất khoáng sản của ngành xây dựng kết cấu hạ tầng…